The Sporting News Vietnam x Zen Tactics: Dấu ấn chiến thuật của đội tuyển Việt Nam ở vòng bảng AFF Cup 2022

01-04-2023
15 phút đọc
Hoàng Tùng

Tối ngày 3/1 vừa qua, đội tuyển Việt Nam đã đánh bại Myanmar trên sân nhà Mỹ Đình, qua đó tiến vào bán kết AFF Mitsubishi Electric Cup với vị trí nhất bảng. Trong suốt chiến dịch vòng bảng, đoàn quân của ông Park Hang-seo không gặp quá nhiều khó khăn khi gặp các đối thủ dưới cơ. Tuy nhiên, trong những thế trận dễ thở, chúng ta vẫn cho thấy những điểm nổi bật nhất định và sự tiến bộ về mặt chiến thuật. Vậy đâu là những điểm nhấn chiến thuật đáng chú ý đến từ đội quân Sao Vàng? 

1. KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT BÓNG BẬC THẦY

Vị thế ông lớn của tuyển Việt Nam có lẽ được thể hiện rõ nhất qua cách mà chúng ta kiểm soát bóng. Đối đầu với những đội tuyển bị coi là dưới cơ, không có gì bất ngờ khi đội tuyển luôn có tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội. Trong những trận đấu gặp Lào, Singapore hay Myanmar, thời lượng bóng lăn trong chân chúng ta lần lượt là 71, 77 và 58%. Cá biệt trong trận đấu với tuyển Malaysia, dù chơi thiếu người trong một phần ba trận đấu, những chú hổ Mã Lai cũng không thể lấn át được các học trò của ông Park. Những ngôi sao vàng vẫn cầm bóng lên đến 52% trong suốt 90 phút trên sân vận động Mỹ Đình. Dĩ nhiên, những Myanmar, Lào, hay Malaysia trong thế trận 10v10 không phải thước đo hoàn mỹ cho khả năng cầm bóng của chúng ta. Thế nhưng, nhìn nhận một cách khách quan, khán giả hoàn toàn có thể hài lòng với cách kiểm soát, áp đặt thế trận hiện đại mà đội tuyển đã làm trong suốt vòng bảng. 

Khả năng cầm bóng vượt trội của đội bóng áo đỏ đến phần nhiều từ nhân sự đông đảo của sơ đồ 3-5-2, cũng như khả năng luân chuyển bóng chắc chân của các hậu vệ. Với bộ ba trung vệ và ba tiền vệ ở khu trung tuyến, rất khó để các đối thủ gây được áp lực lên tuyến dưới của chúng ta. Thường thì các học trò của ông Park sẽ thiết lập một khối 3-2 để tiến hành lên bóng - một khối build-up (phát triển bóng) khá phổ biến trong bóng đá hiện đại. Khối 3-2 này thường được tạo nên từ bộ ba trung vệ, cùng với 2 trong 3 tiền vệ của ông Park.

SN

Khối 3-2 của đội tuyển Việt Nam khi phát triển bóng.

Mục đích của khối đội hình này là áp đảo đối thủ ở trung lộ và hai nách trung lộ với một lượng nhân sự lớn. Cần phải nhắc lại rằng, trung lộ là con đường ngắn nhất dẫn đến khung thành - điều này lý giải vì sao chiếm lĩnh trung lộ lại quan trọng đến vậy. Với khối 3-2, các học trò của ông Park có được quyền kiểm soát vượt trội với quân số được bố trí. Đó là còn chưa kể, tiền vệ còn lại và một trong hai tiền đạo cũng rất tích cực lùi về để hỗ trợ lên bóng.

SN

Ông Park bố trí rất đông nhân sự ở khu vực giữa sân. Ngoài khối 3-2 như đã nói, Quang Hải - tiền vệ đá cao nhất và Văn Đức - một trong hai tiền đạo, cũng duy trì khoảng cách vừa đủ với tuyến dưới, đảm bảo kết nối và khả năng luân chuyển bóng ở trung lộ.

Việc một đội bóng bố trí khối 3-2, hay các tiền đạo, tiền vệ có xu hướng công lùi về giữa sân vốn là một điểm thường thấy ở cấp câu lạc bộ. Tuy nhiên, ở cấp đội tuyển, những đặc điểm này được “phổ cập” muộn hơn là chuyện bình thường. Vậy nên, dù những điều trên không khiến chúng ta phải “Wow!” sau khi đã chứng kiến quá nhiều ở Manchester City hay Liverpool, cũng cần ghi nhận những sự tiến bộ của đội tuyển chúng ta về mặt chiến thuật.

XEM THÊM: Sporting News Vietnam x Zen Tactics: Phân tích chiến thuật Lào vs Việt Nam - AFF Cup 2022

2. SỰ LINH HOẠT CỦA BỘ ĐÔI TIỀN ĐẠO

Khả năng luân chuyển bóng mượt mà của tuyến dưới giúp tuyển Việt Nam có một thế trận dễ thở và nhàn hạ. Thế nhưng dễ thở và nhàn hạ sẽ chẳng giúp ta nên cơm cháo gì, nếu như không có sự biến hóa linh hoạt của các mũi nhọn hàng công. Tính cho đến thời điểm này của giải đấu, hầu hết các tiền đạo của ông Park đều ít nhiều để lại dấu ấn. Tuy nhiên, điều khiến các khán giả hài lòng về các chân sút không nằm ở khả năng ghi bàn, mà lại là sự linh hoạt và đóng góp đa dạng vào lối chơi chung của toàn đội. 

Các tiền đạo của tuyển Việt Nam năm nay đều là những cầu thủ được giao nhiệm vụ di chuyển rộng và kết nối lối chơi giữa hai tuyến. Điều này đặc biệt hợp với sơ đồ sử dụng cặp đôi tiền đạo như 3-5-2. Khi một chân sút rời khỏi vị trí ban đầu để kết nối lối chơi, người còn lại sẽ đảm bảo đội không thiếu đi điểm nhận trong vòng cấm. Tầm hoạt động rộng không chỉ giải phóng một tiền đạo khỏi không gian chật hẹp ở trung lộ, mà còn khiến đối phương bối rối khi theo kèm. Nếu trung vệ bỏ vị trí theo kèm, anh ta sẽ để lại lỗ hổng phía sau lưng. Nếu anh ta giữ vị trí, thì tiền đạo của ta sẽ có không gian nhận bóng.

SN

Văn Quyết rời vị trí trung phong, di chuyển lùi xuống chiếm lĩnh khu vực giữa hai tuyến thủ Singapore. Trung vệ áo đỏ không theo kèm số 10, nên nếu bóng đến chân Quyết, anh sẽ có rất nhiều phương án xử lý. Còn nếu đối thủ muốn theo kèm số 10, không gian sẽ mở ra cho Ngọc Quang hoặc Tuấn Hải xâm nhập. 

Phương án di chuyển và xử lý bóng của các trung phong Việt cũng là rất đa dạng, phục vụ nhiều ý đồ chiến thuật khác nhau. Ví dụ, Tiến Linh có xu hướng lùi sâu làm tường, góp phần mở ra không gian ở cánh cho Tấn Tài. Văn Quyết và Tuấn Hải lại rất chăm chỉ di chuyển theo chiều ngang. Bộ đôi Hà Nội trở thành điểm nhận của những đường xẻ nách sắc lẹm, hoặc liên tục phối hợp với đồng đội để đưa bóng xuống biên, mở ra cơ hội là những pha căng ngang vào vòng cấm.

SN

Tiến Linh lùi rất sâu để nhận bóng từ đồng đội, hút theo sự chú ý của các cầu thủ Malaysia.

SN

Có tới ba cầu thủ áo vàng đã bị hút theo tiền đạo sinh năm 97, và khoảng trống mở ra ở cánh cho Tấn Tài. Sau pha che chắn bóng khéo léo, Linh chỉ cần một đường chuyền đơn giản ra cánh là đã có thể mở ra cơ hội cho Tấn Tài leo biên.

Scroll to Continue with Content
SN

Văn Quyết thì khác, khá chăm chỉ di chuyển theo chiều ngang. Số 10 thường có mặt ở gần hai biên để nhận bóng. Hậu vệ Singapore cũng không dám theo kèm anh, do sợ xô lệch khối phòng ngự. Nhờ đó, Quyết “rừng” đã có rất nhiều không gian để cắt vào trong, mở ra cơ hội hãm thành cho chúng ta.

SN

Đàn em của Quyết “rừng” - Tuấn Hải - lại ưa thích những đường chạy chồng biên ngoài (underlap) như thể này hơn. Số 18 di chuyển rộng ra gần sát biên, chạy vào điểm mù của đối thủ. Sau đó, anh lập tức bứt tốc bỏ lại hậu vệ áo đỏ theo kèm, đó đường chuyền có độ cuộn vừa đủ của đồng đội, mở ra cơ hội ghi bàn cho đội khách.

XEM THÊM: Sporting News Vietnam x Zen Tactics: Chìa khóa Hùng Dũng, Tiến Linh trong chiến thắng 3-0 trước Malaysia

3. ĐÓNG GÓP CỦA BỘ ĐÔI HẬU VỆ CÁNH 

Như đã đề cập ở bài viết trước, trận đấu mà hàng công Việt Nam “câm tịt” trước đối thủ có “công” rất lớn đến từ sự yếu kém của cặp hậu vệ biên (wing-back) Văn Thanh - Hồng Duy. Sau lần rơi điểm đó, khán giả mới thật sự thấy bộ đôi Tấn Tài - Văn Hậu quan trọng với đội tuyển của chúng ta như thế nào. Không chỉ là những cầu thủ toàn diện trong mặt trận phòng ngự, mà ở mặt trận tấn công, Tài - Hậu luôn là những mũi khoan đáng tin cậy, với khả năng săn tìm không gian, bộ kỹ năng chuyền nói riêng và hỗ trợ tấn công nói chung đáp ứng đủ yêu cầu của một wing-back hiện đại.

SN

Pha di chuyển “khó đỡ” của Hồng Duy, đâm thẳng vào pha di chuyển của người đồng đội Văn Quyết.

Nhờ vào cách bố trí khối đội hình tấn công từ 3-5-2 thành 3-2-5 mà tuyển Việt Nam mở ra được rất nhiều không gian bên cánh. Từ đó, nhiệm vụ và đóng góp của cặp Tài - Hậu cũng trở nên quan trọng hơn, bởi họ là những cầu thủ duy nhất có thể tận dụng vùng không gian này.

SN

Nhân sự đông đảo - 3 người - ở khu vực trung lộ của tuyển Việt Nam ép cho các hậu vệ Lào phải co rất hẹp, từ đó mở ra không gian ở hai cánh cho Văn Hậu. 

Với Hậu, với vùng không gian có được, số 5 sẽ có thể tung ra những đường tạt chính xác chết người nhắm vào khu vực vòng cấm, đặc biệt là cho Tiến Linh - chiếc “tiểu phi cơ” của đội tuyển. Còn với Tài, chân chạy cánh người Bình Định có khả năng tung ra những đường chuyền ngắn có độ chính xác cao trong thời gian ngắn, hoặc trong không gian hẹp. Cả hai đều là những thứ vũ khí sắc bén trong việc khoan phá hai bên cánh đối thủ. Thêm vào đó, điều khiến cả Tài và Hậu trở nên “hiện đại” trong lối chơi của mình là khả năng xâm nhập vòng cấm, đón đường tạt và dứt điểm ở khu vực khó phòng thủ nhất: cột xa.

SN

Những pha căn chỉnh và tạt bóng như đặt của Hậu chính là thứ vũ khí sắc bén mà chúng ta có bên hành lang trái.

SN

Những lựa chọn chuyền bóng khôn ngoan, đổi hướng tấn công chính xác, dễ dàng gây bất ngờ đối thủ của Tấn Tài cũng quan trọng không kém.

SN

Và quan trọng nhất, khi không gian sau lưng hàng thủ đối phương mở ra, Tài hay Hậu không ngần ngại băng lên phía trước, nhận đường phất dài vượt tuyến để mở ra cơ hội hãm thành cho đội nhà.

XEM THÊM: The Sporting News Vietnam x Zen Tactics: Đi tìm đôi cánh tối ưu cho đội tuyển Việt Nam

4. TẠM KẾT

Nhìn vào mặt kết quả, đội tuyển Việt Nam không cho thấy quá nhiều sự khác biệt so với hai kỳ AFF Cup gần nhất, bởi vượt qua vòng bảng vốn từ lâu đã là điều đương nhiên với chúng ta. Tuy nhiên, rõ ràng có những điểm nhấn và những tiến bộ về mặt chuyên môn mà chúng ta cần ghi nhận nơi ông Park và các học trò. Khó khăn vẫn còn đang chờ đợi phía trước, khi đứng chắn trước giữa chúng ta và ngai vàng vẫn là những chướng ngại mang tên Indonesia, Thái Lan hoặc Malaysia. Những dấu ấn chiến thuật mà ông Park để lại sẽ có những bài test cực kỳ nặng đô trong những ngày tiếp theo. Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Bài viết được thực hiện bởi Zen Tactics - Kênh thông tin về chiến thuật bóng đá dành cho khán giả đam mê môn thể thao vua