The Sporting News Vietnam x Zen Tactics: Phân tích chiến thuật Việt Nam vs Thái Lan chung kết lượt đi AFF Cup 2022

01-14-2023
17 phút đọc
H.T

Đội tuyển Việt Nam đã trải qua 90 phút cực kỳ căng thẳng trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với đội tuyển Thái Lan. Giới truyền thông kỳ vọng vào trận chiến nảy lửa giữa hai cường quốc của bóng đá Đông Nam Á, và Thái Lan đáp ứng được điều đó. Đoàn quân của ông Mano Polking khiến chúng ta gặp nhiều trở ngại trong trận lượt đi, và với những gì đã diễn ra, trận lượt về đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. 

1. ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM VÀ CÁCH TIẾP CẬN TÁO BẠO 

Ở những trận đấu trước, đội tuyển Việt Nam thường chơi khá đơn giản. Đoàn quân của ông Park chủ yếu luân chuyển qua lại bóng ở giữa sân, tìm cơ hội phất bóng bổng và chờ đợi các tiền đạo, hay các hậu vệ cánh xử lý. Từ đó, chúng ta có thể tung ra những đường tạt bóng nhắm vào vòng cấm. Sáu bàn thắng của Tiến Linh tính tới giờ phần lớn đến từ những pha bóng kiểu như vậy. Ngoài ra, khi sử dụng hai tiền đạo, ông Park cũng trông chờ bộ đôi này “tự làm tự ăn” với những pha phối hợp cùng nhau. 

Tuy nhiên, trong trận đấu trên sân Mỹ Đình, đội tuyển của chúng ta lại chọn một cách tiếp cận khá táo bạo, với những pha tình huống tấn công trực diện, xuyên phá thẳng vào các khu vực trung lộ và half-space (khu vực nằm giữa trung lộ và hai cánh). Mục đích của những pha tấn công này là nhanh chóng loại bỏ tuyến phòng ngự của đối phương, tấn công vào những khoảng trống giữa hai tuyến, và gây bất ngờ cho đối thủ. Để làm được điều này, các tiền vệ của ông Park phải di chuyển cực kỳ linh hoạt, phải đưa ra các quyết định nhanh trước khi khoảng không đóng lại. 

Muốn những đường chuyền này thực hiện này, chúng ta cần có những điểm nhận ở phía trên. Đó là lý do vì sao trong trận này, Việt Nam từ bỏ khối build-up 3-2 quen thuộc, để chuyển sang khối 3-1 ít người hơn, dồn nhân sự lên tuyến trên làm điểm nhận. 3-1 là sự lựa chọn liều lĩnh của ông Park, bởi nếu Thái Lan chọn dâng cao ép vào vị trí Hoàng Đức, số 14 sẽ dễ mất bóng hơn. Khi đội khách đánh bại được tiền vệ duy nhất của chúng ta, bộ ba trung vệ sẽ bị đánh vỗ mặt.

Khối 3-1 của tuyển Việt Nam.

Tuy nhiên, trong trận đấu này, niềm tin của ông Park vào Hoàng Đức vào khối 3-1 đã được đền đáp. Số 14 di chuyển rất thông minh trước mặt hàng phòng ngự, biết khi nào nên chơi an toàn, khi nào nên liều lĩnh. Tiền vệ của Viettel liên tục quan sát các tiền vệ theo kèm mình, nhằm tìm ra khoảng trống, xoay trở thoát khỏi áp lực sau đó đưa bóng lên tuyến trên. Cũng nhờ Hoàng Đức hút theo sự chú ý của đối thủ mà các trung vệ áo đỏ chịu ít áp lực từ đối phương hơn, và có nhiều không gian để phân phối bóng hơn.

Tình huống này, khi nhận thấy khoảng cách giữa hai tiền đạo Thái là khá rộng, Hoàng Đức quyết định đi bóng xộc thẳng vào trung lộ, sau đó kết nối với hậu vệ cánh phía trên.

 

Khi quan sát thấy tuyến đầu Thái Lan được bổ sung thêm một tiền đạo, số 14 lập tức chơi an toàn với đường chuyền về. 

Nhờ có Hoàng Đức làm chốt chặn tuyến giữa, các số 8 của ông Park có thể yên tâm dâng cao hơn, trở thành điểm nhận của các đường chuyền xuyên tuyến từ chân số 14 và các trung vệ. Nhiệm vụ này cũng được giao cho các tiền đạo. Cả Tiến Linh và Tuấn Hải đều là những tiền đạo có thể chất tốt, thân người đầm chắc sẽ giúp bộ đôi này che chắn bóng tốt hơn, câu thêm thời gian để tìm ra lựa chọn phối hợp tốt nhất.

Khi Hoàng Đức kéo bóng vượt qua được hai tiền đạo Thái Lan, có rất nhiều cầu thủ của Việt Nam sẵn sàng đón đường chuyền và tạo ra cơ hội. Tấn Tài, Hùng Dũng, hay Tiến Linh đều nằm trong tầm chuyền bóng của số 14. Lần này, người nhận bóng là Hùng Dũng. Số 8 sau đó quyết định phối hợp với Ngọc Hải để lên bóng biên phải - khu vực đang khá thoáng. 

Ở nửa sau hiệp 1, Thái Lan nhận ra độ nguy hiểm của Đức và tổ chức vây ráp số 14 rất chặt. Các lựa chọn chuyền bóng của anh như cặp đôi Dũng - Hải và Tiến Linh cũng bị khóa chặt. Đó là lý do Việt Nam quay trở lại chơi bóng dài như thường lệ. Hạn chế những đường chuyền xuyên tuyến cũng là một điều tốt, bởi kiểu chuyền này luôn có khả năng bị chặn, do đó tiềm ẩn nguy dính phản công. Như đã đề cập ở phần trên, một khi đường bóng lên bị cắt đứt, một mình Hoàng Đức sẽ không thể chống đỡ nổi các cầu thủ tấn công của đội bạn.

Ở nửa sau hiệp đấu, Thái Lan bắt đầu khóa lại những lựa chọn chuyền bóng của Hoàng Đức. Quang Hải phải lùi xuống hỗ trợ nhưng không hiệu quả. Tuyến chuyền bóng đến Tiến Linh, Hùng Dũng cũng đã bị cắt đứt.

Để vượt qua khối thủ khá kín kẽ này, chúng ta quay trở lại với những đường bóng dài quen thuộc, sau đó trả lại trung lộ. Lần này người nhận bóng từ chân Ngọc Hải là Tuấn Hải.

 

Tuấn Hải sau đó tìm đến Quang Hải ở giữa sân. Như vậy, không cần phải thông qua Hoàng Đức, chúng ta vẫn có thể lên bóng và đưa trở lại trung lộ dễ dàng. 

Một miếng đánh hiệu quả khác mà ông Park đã áp dụng trong trận đấu này là những pha chuyển cánh tấn công. Với một tuyến giữa đông đảo bao gồm cả hậu vệ biên và tiền đạo lùi về, đội bóng áo đỏ có thể dễ dàng luân chuyển bóng từ cánh này qua cánh kia, giúp các hậu vệ có không gian nhận và xử lý bóng.

Trong pha bóng này, đội chủ nhà chỉ cần hai đường chuyền là đã có thể đưa bóng sang bên kia sân. Đầu tiên là pha lùi về của Tiến Linh. Số 22 là trạm trung chuyển bóng trong tình huống này.

Scroll to Continue with Content

 

Đường chuyền thứ 2 của Linh nhanh chóng đến được với Tấn Tài, mở ra hướng lên bóng rất thoáng ở cánh phải cho chúng ta.

Hai bàn thắng cùng một thế trận cân kèo với Thái Lan là thành quả xứng đáng cho cách tiếp cận táo bạo và bất ngờ của chúng ta. Thế nhưng, việc thủng lưới đến hai bàn sau chuỗi trận sạch lưới từ đầu giải là tín hiệu chẳng lành. Đội bóng của chúng ta vẫn còn nhiều thứ cần cải thiện nếu muốn chơi tốt hơn trên đất Thái và mang cúp vàng về cho Tổ quốc.

XEM THÊM: The Sporting News Vietnam x Zen Tactics: Đi tìm đôi cánh tối ưu cho đội tuyển Việt Nam

2. Đẳng cấp của Thái Lan và Theerathon

Đội tuyển Thái Lan giải này không có sự phục vụ của ngôi sao sáng nhất Chanathip Songkrasin. Mặc dù vậy, đội hình của ông Polking vẫn có rất nhiều cái tên chất lượng, mà điển hình trong số đó chính là Theerathon Bunmathan. Trong trận đấu ngày hôm qua, sai lầm đầu tiên của chúng ta là để cho số 3 quá thoải mái với trái bóng trong chân. Tiền vệ thuộc biên chế Buriram liên tục lùi về phần sân nhà, nhận bóng và điều tiết lối chơi toàn đội từ tuyến dưới. Trong khi đó, các tiền vệ và tiền đạo của Việt Nam gần như không có dấu hiệu băng lên truy cản. Với nhãn quan chiến thuật và không gian có được, tiền vệ 32 tuổi thoải mái ngắm nghía sau đó tung ra những đường chuyền cự ly trung bình, hoặc dài, phá vỡ cấu trúc khối thủ của chúng ta, mở ra cơ hội cho các đồng đội tuyến trên.

Có thể thấy Việt Nam không tạo một áp lực đủ lớn lên chân chuyền của Thái. Số 3 có đầy đủ không gian và thời gian để ngắm nghía ra quyết định.

 

Ở đầu hiệp 2, chúng ta vẫn để cho Bunmathan thoải mái. Bàn thắng gỡ hòa từ đường phất bóng chính xác của số 3 đến như một lẽ tất yếu. 

Nếu như chúng ta quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn Bunmathan thì có lẽ kịch bản dẫn đến những tình huống như bàn gỡ 1-1 sẽ không xảy ra. Vậy nên, ông Park cần có những sự điều chỉnh hợp lý ở trận tới, nhằm phong tỏa tiền vệ sinh năm 1990. Cách hiệu quả nhất có lẽ là dâng cao khối phòng ngự và gia tăng áp lực lên chân chuyền của Thái. Khi đối thủ đưa bóng đến chân số 3, tùy vào vị trí mà ông Park có thể đẩy cầu thủ lên áp sát. Nếu là trung lộ, Tiến Linh hoặc Tuấn Hải sẽ là người đảm nhận nhiệm vụ này. Còn nếu cầu thủ 32 tuổi nhận bóng ở hai cánh, một trong hai số 8 của đội sẽ dâng lên truy cản. Như vậy, chúng ta sẽ ít nhiều hạn chế được tầm ảnh hưởng của Bunmathan lên lối chơi của Thái. 

Ngoài việc lấy Bunmathan làm chân chuyền chính, Thái Lan cũng còn một cách nữa để xuyên phá hàng thủ của chúng ta. Tương tự đội tuyển Việt Nam, tập thể xứ triệu voi cũng sử dụng các đường chuyền xuyên tuyến. Tuy nhiên cách đạt được mục đích của họ lại tương đối khác. Thái không luân chuyển bóng trong khối 3-1 và cố tìm kẽ hở của đối phương như chúng ta. Các học trò của Polking chủ động luân chuyển bóng ngang sân, kéo giãn cự ly khối thủ của chúng ta, chờ khoảng không lộ ra rồi mới tung đường chuyền sắc lẹm.

Ở tình huống này, các cầu thủ Thái đã hút theo sự chú ý của Quang Hải, mở ra hướng chuyền bóng rất rộng đến với Yooyen. Số 6 thoải mái nhận bóng và mở ra pha tấn công rất nguy hiểm cho Thái. 

Đội tuyển Việt Nam đã nhiều lần sơ suất, để cho tuyến trên của Thái nhận bóng rất thoải mái mà không ai theo kèm. Điểm trừ này đến từ việc các tiền đạo và tiền vệ của chúng ta di chuyển chưa đủ tốt để chắn các tuyến chuyền bóng của đối thủ. Đồng thời, nhìn cái cách là Sarach Yooyen nhận bóng, chúng ta cũng thấy sự liên kết giữa tuyến hậu vệ và tiền vệ là lỏng lẻo như thế nào. Số 6 nhận bóng trong một không gian rộng lớn, thoải mái đưa ra quyết định, trong khi không một tiền vệ nào kịp can thiệp.

Vấn đề khoảng trống lộ ra giữa hai tuyến thủ cuối cùng của chúng ta chưa dừng lại ở đó. Không chỉ trong những những tình huống chuyền xuyên tuyến, mà còn ở các tình huống lên biên của đối phương. Thời điểm bóng lăn ở biên quá vạch giữa sân, chúng ta vẫn thấy các tuyến giữa chưa lùi về đủ sâu để phòng thủ. Do đó, khi đội khách xuống biên và chuyền bóng tới trước vòng cấm của Văn Lâm, tuyển Việt Nam rơi vào thế bị động. Các tiền vệ không có mặt để phòng ngự, trong khi các hậu vệ bối rối không biết có băng lên hay không. Trong một vài trường hợp, nếu không có tài năng của thủ môn số 23, các học trò của ông Park có thể đã thủng lưới sớm hơn.

Khi Yooyen có bóng ở cánh và chuyền vào trong, có thể thấy 2 chiếc bóng áo xanh rất thoải mái chiếm lĩnh khu vực trước vòng cấm. Hai tiền vệ này sau đó phối hợp với nhau như chỗ không người, khiến Văn Lâm phải trổ tài sau đó. 

Nhìn chung, để giải quyết vấn đề này, ông Park cần có những chỉ đạo cụ thể. Kéo thấp đội hình, duy trì cự ly ổn định giữa các hàng thủ không phải là điều khó với chúng ta. Ba người là một con số lý tưởng cho mọi hàng tiền vệ, và ngân đó nhân sự là đủ gây một áp lực lớn lên những Yooyen hay Peeradon Chamratsamee. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các cầu thủ cũng cần phải thi đấu tập trung cao độ. 

3. Lời kết

Hòa 2-2 trên sân nhà trước đối thủ truyền kiếp không phải là một kết quả tệ. Thế nhưng nhìn vào màn trình diễn của đội tuyển, khán giả hẳn sẽ nhận ra chúng ta có thể làm tốt hơn. Cơ hội vẫn đang chia đều cho cả hai đội bóng ở trận tái đấu ngày 16/1 tới. Tuy nhiên, cơ hội chiến thắng sẽ chỉ thiên về về tuyển Việt Nam một khi đội bóng biết cách sửa chữa những điểm trừ của mình. Chúng ta sẽ cùng chờ xem liệu nhiệm kỳ của ông Park có thể kết thúc viên mãn với chiếc cúp vàng rời đất Thái hay không.

XEM THÊM: Những cầu thủ bị treo giò ở chung kết lượt về AFF Cup 2022

Bài viết được thực hiện bởi Zen Tactics - Kênh thông tin về chiến thuật bóng đá dành cho khán giả đam mê môn thể thao vua