Lịch sử áo đấu Valencia: Ý nghĩa biểu tượng loài dơi, nhà tài trợ và vụ kiện với DC Comics

08-23-2023
10 phút đọc
Valencia

Không phải là thành phố Gotham của Batman nhưng bạn sẽ nhìn thấy dơi ở mọi nơi khi đến thăm Valencia. Hình ảnh loài dơi xuất hiện trong văn hóa, kiến trúc và ngay cả trong logo của CLB Valencia - một trong những đội bóng nổi tiếng nhất Tây Ban Nha.

Tại sao lại là dơi? Biểu tượng truyền thống đó được thể hiện thế nào trên trang phục thi đấu của Valencia? Hãy cùng The Sporting News và Chuyện Áo Đấu tìm hiểu.

Dơi đã trở thành biểu tượng của Valencia như thế nào?

Vào thế kỉ 13, James I xứ Aragon lãnh đạo những người Cơ đốc giáo đánh bại người Moor, chấm dứt sự thống trị của Hồi giáo, góp phần vào quá trình tái chinh phục bán đảo Iberia.

Trước khi James I tiến vào thành phố, một con dơi đậu trên lá cờ của ông, và ông hiểu rằng đó là dấu hiệu chiến thắng. Câu chuyện ấy trở thành cảm hứng cho loài dơi kiêu hãnh trên đỉnh huy hiệu thành phố và biểu trưng câu lạc bộ Valencia ngày nay.

Cái tên Valencia có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại, xuất phát từ "Valentia", có nghĩa là can đảm và mạnh mẽ trong tiếng Latin. Người ta tin rằng cái tên này vinh danh những người lính đã chiến đấu bảo vệ thành phố.

Năm 1919, câu lạc bộ Valencia được thành lập tại quán bar trung tâm thành phố mang tên Torino. Logo đầu tiên của Los Che ra đời là sự kết hợp hình ảnh dơi cùng vương miện James I, màu vàng đỏ trên lá cờ Vương quốc Aragon (trong quá khứ Valencia là một vùng của vương quốc này) - sau này cũng là màu cờ của Cộng đồng tự trị Valencia. Thực tế, Valencia không phải “bầy dơi” duy nhất, mà đội bóng cùng thành phố Levante cũng sử dụng hình ảnh này trên logo. 

Valencia trải qua 5 lần đổi logo và sự thay đổi cách mạng bắt đầu từ năm 1921. Francisco Aguar Tarín thiết kế lại trên một chiếc khiên hình bầu dục tựa như lá chắn bảo vệ thành phố, phần trên cùng là hình ảnh con dơi màu đen. Trung tâm có một quả bóng đá cổ điển nằm trên nền màu sọc đỏ vàng.

Những biểu trưng kế tiếp không có nhiều thay đổi đáng kể, duy chỉ có hình ảnh con dơi vẽ lại trông hiện đại hơn. Điều thú vị là hãng phim DC Comics đã hai lần kiện Valancia với lý do… đạo logo Batman. Tuy nhiên, dơi đã xuất trên biểu tượng đội bóng trong nhiều thế kỷ, vì vậy, việc DC Comics rằng logo của Valencia phỏng theo hình của Batman là điều phi lý. Hình ảnh dơi cũng xuất hiện trên khán đài phía Đông cầu trường Mestalla, mascot của đội bóng cũng là loài vật này.

Đưa ra dự đoán kết quả bóng đá tại ĐÂY

Valencia và những thành công cùng nhà tài trợ

Valencia có trận đấu chính thức vào ngày 21/05/1919, đội bóng mặc trang phục màu trắng vốn không phải màu chủ đạo của logo. Thời kỳ đầu, họ sử dụng áo tự sản xuất hoặc được cung cấp bởi những hãng quần áo không chuyên như Mont-halt, Ressy.

Đến năm 1980, Valencia bắt tay với Adidas nhưng chỉ một năm sau, họ lại quay trở lại dùng áo của Ressy. Đây cũng là hãng đã thiết kế cho đội bóng mẫu áo sọc đỏ vàng Senyera đầu tiên trong lịch sử. Điều ngạc nhiên là Valencia liên tục sử dụng áo đấu có cổ trong suốt gần 20 mùa giải kể từ mùa 1979/80.

Scroll to Continue with Content

Sau hơn 10 mùa giải, Valencia chuyển sang sử dụng áo của PUMA, mối quan hệ không kéo dài bao lâu thì Bầy Dơi ký với Luanvi. Hãng thể thao Tây Ban Nha này đã tạo ra nhiều thiết kế ấn tượng khi phối màu sắc theo màu cờ sọc vàng đỏ của Cộng đồng tự trị ở phần tay và thân áo, kết hợp với họa tiết logo đội bóng. 

Nike đến và ký hợp đồng tài trợ Valencia khi câu lạc bộ bắt đầu bước vào những ngày tháng vinh quang của lịch sử. Los Che tham dự hai trận chung kết Champions League liên tiếp, đối đầu Real Madrid năm 2000 và Bayern Munich năm 2001 nhưng đều thất bại. 

Bù đắp cho những nuối tiếc ở đấu trường danh giá nhất châu Âu, Valencia rất thành công ở giải quốc nội khi giành hai danh hiệu La Liga, một UEFA Europa League và một UEFA Super Cup.

Valencia được xếp hạng là câu lạc bộ thành công nhất thế giới theo Liên đoàn Thống kê và Lịch sử bóng đá Quốc tế (IFFHS), tính tới thời điểm năm 2004, chỉ có duy nhất Barcelona và Real Madrid đạt được thứ hạng này. Màu áo trắng phối đen ở tay áo đã khắc sâu vào ký ức của nhiều cổ động viên Los Che, là cột mốc đáng nhớ đánh dấu một hành trình chinh phục Tây Ban Nha và châu Âu của Valencia cùng với Nike.

Sau quãng thời gian đáng nhớ cùng Nike, Valencia được hãng thể thao Ý, Kappa nhắm đến. Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập CLB, Kappa đã giới thiệu mẫu áo đấu phiên bản đặc biệt có họa tiết con dơi in trước ngực. Thiết kế ấn tượng này từng được mặc bởi David Villa, Jordi Alba hay Ever Banega. Một mẫu áo quen thuộc khác là chiếc áo sân khách sọc đỏ vàng phối xanh theo màu cờ Cộng đồng tự trị. Thiết kế này cũng thường xuyên được nhìn thấy trên bộ đồ Senyera của Barcelona. 

Valencia tiếp tục đổi nhà tài trợ áo đấu, CLB ký hợp đồng với Joma, một thương hiệu quê hương Tây Ban Nha. Joma luôn dành cho Valencia 4 thiết kế áo đấu và có 2 mùa được dùng áo phiên bản đặc biệt. Mùa giải 2014/15, đội chủ sân Mestalla tái hợp Adidas, đặc biệt ngoài áo sân nhà thì đội bóng có tới 3 mẫu áo trắng khác nhau, đều là phiên bản đặc biệt nhằm kỷ niệm hoặc phát động chiến dịch như #StopEbola hay ủng hộ các nạn nhân trong vụ động đất ở Nepal. Năm 2019, để kỷ niệm 100 năm thành lập, Valencia ra mẫu áo có tên gọi Centenary với logo đen phối vàng gold.

Từ mùa giải 2019/20, Valencia lại quay lại với mối lương duyên cũ PUMA cùng bản hợp đồng trị giá 4 triệu Euro một mùa. PUMA đã có màn trở lại đầy đỉnh cao khi các thiết kế cho Bầy dơi đều mang dáng vẻ hiện đại, mạnh mẽ. Mùa giải năm nay, áo đấu sân nhà của CLB thiết kế theo hướng cổ điển, mang màu sắc của Địa Trung Hải và phong cách sống của người Valencian. 

Trải qua nhiều thăng trầm, Valencia vẫn là một trong 5 đội bóng có thành tích tốt nhất trong lịch sử giải VĐQG Tây Ban Nha, bên cạnh Barcelona, Real Madrid, Atletico Madrid và Bilbao. Với lối chơi đầy bản sắc, Bầy Dơi luôn biết cách hạ gục bất kỳ đối thủ nào đặt chân đến “chảo lửa” Mestalla.

XEM THÊM: Vì sao áo sân khách của Barcelona hay có màu đỏ và vàng? Nguồn gốc và giá trị lịch sử