Năm 2018, đội tuyển Đức gia hạn hợp đồng với “người đồng hương” Adidas đến 2026. Khi đó, Die Mannschaft và Adidas đã hợp tác với nhau 38 năm ròng rã, kể từ ngày đầu gắn bó năm 1980. Tính đến thời điểm hiện tại, mối quan hệ này đạt mốc 43 năm và vẫn còn ba năm hợp đồng trước mắt, thậm chí còn có thể kéo dài hơn nếu như hai bên vẫn tiếp tục đồng hành.
Ấn tượng và lâu dài như vậy, nhưng Đức và Adidas chỉ xếp thứ hai trong danh sách những hợp đồng tài trợ áo đấu lâu dài nhất cấp độ đội tuyển. Vậy đội tuyển và thương hiệu nào dẫn đầu danh sách? Mời các bạn cùng The Sporting News và Chuyện Áo Đấu tìm câu trả lời trong bài viết ngay sau đây.
Bảng xếp hạng những hợp đồng tài trợ áo đấu dài nhất ở cấp độ đội tuyển quốc gia (Chuyện Áo Đấu tổng hợp)
Đội tuyển |
Thương hiệu |
Năm bắt đầu |
Hợp đồng hiện tại |
Số năm hợp tác* |
Áo |
PUMA |
1976 |
2028 |
47 năm |
Đức |
Adidas |
1980 |
2026 |
43 năm |
Tây Ban Nha |
Adidas |
1991 |
2030 |
32 năm |
CH Séc |
PUMA |
1994 |
2028 |
29 năm |
Ecuador |
Marathon |
1995 |
2028 Scroll to Continue with Content
|
28 năm |
Mỹ |
Nike |
1995 |
2028 |
28 năm |
Hungary |
Adidas |
1995 |
2023 |
28 năm |
*Tính đến năm 2023
Có thể thấy, các đội tuyển quốc gia trong danh sách có xu hướng hợp tác với thương hiệu của nước họ, hoặc một thương hiệu có xuất xứ gần gũi với đất nước. Chẳng hạn, đội tuyển Áo dẫn đầu danh sách cùng PUMA – một thương hiệu Đức. Áo giáp với Đức về phía Nam và bản thân đất nước này cũng dùng tiếng Đức là ngôn ngữ chính. Tương tự là cái bắt tay giữa đội tuyển Mỹ và gã khổng lồ Nike. Việc hợp tác với những thương hiệu quen thuộc ở khu vực và hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử đất nước giúp chiếc áo đội tuyển mang đậm bản sắc dân tộc.
Ngoài Áo-PUMA và Đức-Adidas, các đội tuyển còn lại trong bảng xếp hạng có lịch sử hợp tác dài khoảng 3 thập kỉ, với các bản hợp đồng tài trợ từ giữa những năm 90. Đây cũng chính là thời gian các thương hiệu đẩy mạnh mảng áo bóng đá, những hợp đồng khủng ở cấp độ đội tuyển quốc gia xuất hiện liên tục và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quảng bá của hãng.
Bên cạnh “Big 3” ngành công nghiệp áo đấu là Nike, Adidas và PUMA, trường hợp của đội tuyển Ecuador và thương hiệu nội địa Marathon cực kì đáng lưu tâm. Đôi bên hợp tác từ năm 1995 khi đội tuyển Nam Mỹ chia tay với Reebok. Kể từ đó, thương hiệu này cùng đội tuyển Ecuador kinh qua nhiều chiến dịch trên cả đấu trường châu lục và thế giới - một cuộc marathon đường dài đúng nghĩa!
Dự đoán kết quả bóng đá tại ĐÂY
Như chúng ta cũng đều biết, FIFA cấm nhà tài trợ xuất hiện trên trước ngực áo đấu của đội tuyển như một cách giúp chiếc áo đấu không bị thương mại hoá, đánh mất sự thiêng liêng của màu áo quốc gia. Và như vậy, nguồn thu từ các hợp đồng sản xuất trang phục lại càng trở nên quan trọng với các liên đoàn.
Logo thương hiệu là biểu tượng duy nhất xuất hiện trên áo đấu đội tuyển, ngoài các chi tiết phải có như: logo, tên cầu thủ, số áo, patch hay match details (thông tin chi tiết về trận đấu). Giữ một vị trí quan trọng trên áo tuyển, thương hiệu luôn phải cho ra thiết kế ấn tượng để khẳng định tên tuổi của mình.
Áo đấu đội tuyển quốc gia là niềm tự hào của cổ động viên trong nước. Là nơi quy tụ của những cầu thủ nổi tiếng nhất đất nước, sự quan tâm từ người hâm mộ và giới truyền thông rõ ràng lớn hơn nhiều so với đa phần các câu lạc bộ. Do đó, thương hiệu hợp tác với đội tuyển hàng thập kỷ là chuyện không hề đơn giản.
Tại sao đội tuyển gắn bó lâu dài với một thương hiệu trang phục thể thao?
Như đã đề cập ở phần trên, mối quan hệ hợp tác lâu năm mang đến chất riêng cho những chiếc áo đội tuyển. Các thương hiệu giữ được sự ổn định trong thiết kế, và xa hơn nữa là giới thiệu được những ý tưởng ấn tượng qua từng năm.
Tiếp tục lấy ví dụ từ đội tuyển Đức, thiết kế của họ giữ được sự thống nhất qua các năm, những mẫu áo từ Adidas vẫn luôn tôn lên được nét truyền thống, cái hồn và bản sắc của người Đức. Quay ngược thời gian, mối lương duyên giữa Adidas và đội tuyển Đức bắt đầu từ tận kỳ World Cup năm 1954, tuy nhiên phải đến những năm 1980, biểu tượng ba lá của Adidas mới chính thức xuất hiện trên trang phục thi đấu.
Trong suốt thời gian song hành cùng Adidas, Die Mannschaft trải qua nhiều thăng trầm khác nhau, nhưng gần như giai đoạn nào cũng có ngôi sao lớn và thành tích đáng tự hào: có thể kể đến chức vô địch World Cup 1990, Euro 1996 hay gần nhất là World Cup 2014 trên đất Brazil. Lịch sử và truyền thống hào hùng chính là chất kết dính hoàn hảo giúp tuyển Đức và Adidas gắn bó lâu dài.
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến một gã khổng lồ khác của bóng đá châu Âu là đội tuyển Tây Ban Nha. La Roja cùng Adidas bên nhau hơn ba thập kỷ, với đỉnh cao là hai chức vô địch Euro 2008 và 2012 cùng cúp vàng World Cup 2010.
Thành công là vậy song không phải lúc nào đội tuyển Tây Ban Nha và Adidas cũng hạnh phúc bên nhau. Lùm xùm diễn ra vào năm 2019, Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha muốn kết thúc hợp đồng trước thời hạn năm 2026 để tìm đối tác mới. Nhưng đến cuối cùng, hai bên vẫn tiếp tục đồng hành cùng và còn gia hạn hợp đồng thêm 4 năm, đến 2030.
Những mẫu áo biểu tượng của các đội tuyển quốc gia
Một trong số những thiết kế kinh điển và đáng nhớ nhất mà Adidas dành cho đội tuyển Tây Ban Nha là mẫu áo tại Nam Phi 2010. Tông đỏ nổi bật, sọc vàng biểu tượng ở xứ đấu bò, điểm xuyết sắc xanh cho chiếc áo thêm phần tinh tế, tất cả hòa quyện tạo nên một kiệt tác về thẩm mỹ. Mẫu áo ấy chính thức đi vào sử sách khi đội tuyển Tây Ban Nha giành chức vô địch World Cup đầu tiên.
Nói về áo đấu biểu tượng, khó đội bóng nào trên thế giới dám so kè với tuyển Đức. Sự kết hợp giữa Adidas cùng đội bóng quê hương xứng danh sự kết hợp thời đại, những mẫu áo Đức luôn là thiết kế tiên phong, đại diện cho phong cách của hãng và đôi khi là chuẩn mực của cả một giai đoạn trong bóng đá. Thập niên 90, Adidas cùng tuyển Đức trình làng 5 mẫu áo sân nhà, cả 5 đều là những tác phẩm vĩnh cửu - nhất là thiết kế 1990. Năm đó, Đức vô địch World Cup và chiếc áo này trở thành biểu tượng của những biểu tượng, là hình ảnh minh họa phổ biến nhất về áo bóng đá. Đến thế kỉ 21, hành trình đáng nhớ của Adidas và Đức tiếp tục với một số thiết kế như mẫu áo teamgeist World Cup 2006, mẫu áo gắn liền với “Vua về nhì” Michael Ballack tại Euro 2008, rồi “bộ cánh” chứng kiến chức vô địch World Cup 2014 của Thế hệ Vàng.
Chuyển sang câu chuyện của Nike, thương hiệu này tuy không có thành tích ấn tượng như Adidas với các đội tuyển trong bảng xếp hạng nhưng cũng kịp để lại ấn tượng trên phương diện thiết kế với đội tuyển Mỹ. Hai bên cùng trình làng rất nhiều mẫu áo đáng nhớ, phá cách bởi những họa tiết và lối thiết kế độc đáo. Mẫu áo sân nhà tại World Cup 1994 - Giải vô địch thế giới đưa bóng đá đến với Hoa Kỳ, là điển hình cho phong cách ấy. Chiếc áo giả jeans cùng họa tiết ngôi sao thậm chí khiến trung vệ Tab Ramos thốt lên “Ở Mỹ, chúng tôi mặc đồ jeans, kể cả lúc... đá bóng!”.
Ngoài ra, còn có thể kể đến mẫu áo năm 2012 với tên gọi ‘Waldo’. Đây là một trong những thiết kế “chuẩn Mỹ” nhất mà Nike từng dành cho đội tuyển xứ cờ hoa. Những đường sọc ngang mang hai tông màu trắng – đỏ như lá quốc kỳ, sự bổ trợ của sắc xanh navy giúp thiết kế của đội tuyển Mỹ năm 2012 ghi điểm trong mắt nhiều người hâm mộ.
Lép vế về mặt danh tiếng so với những đội tuyển ở trên, Cộng hòa Séc và PUMA cũng mang đến một số bộ trang phục khó quên. Thiết kế năm 2014 mà thương hiệu nước Đức dành cho Lokomotiva được xem là một trong những thiết kế ghi điểm trong mắt nhiều người hâm mộ. Tông đỏ truyền thống cùng hoạ tiết chú sư tử dũng mãnh đã tạo nên một thiết kế ấn tượng và phong cách.
Về bản chất, hợp đồng tài trợ áo đấu cũng hoạt động như bao hợp đồng kinh doanh khác. Đó là mối quan hệ win-win (đôi bên cùng có lợi), liên đoàn sẽ nhận khoản tiền tài trợ kếch sù, đội tuyển trình làng những trang phục chất lượng. Phía thương hiệu, họ tiếp cận sâu sắc với khách hàng trong và ngoài nước; từ đó mở rộng thị trường, nâng cao tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp áo thi đấu nói riêng và thời trang nói chung.