Ở Ý, các câu lạc bộ lớn gắn liền với linh vật khác nhau: Juventus là ngựa vằn (zebra), Inter Inter là rắn (biscione), Milan là ác quỷ (diavolo), Roma là sói cái (lupa) còn Napoli là lừa (ciuccio hay ciucciariello). Nếu Juventus là ngựa vằn vì sọc trắng đen kinh điển, nếu Milan là ác quỷ vì sự liên kết màu sắc, Inter là rắn vì đó là biểu tượng của Visconti của Milan, Roma là sói cái vì truyền thuyết về Romulus và Remo.
Vậy mối liên hệ giữa con lừa và Napoli là gì? Mời các bạn cùng The Sporting News và Chuyện Áo Đấu tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
Tất cả bắt đầu vào những năm 1920. Ở trung tâm logo Napoli 1926, phiên bản logo đầu tiên của câu lạc bộ, là hình ảnh con ngựa hung hăng mang tên "Corsiero del Sole" - biểu tượng cao quý của thành phố Napoli và toàn bộ Vương quốc bán đảo Naples thuộc Vương quốc Hai Sicilie (tiếng Ý: “Regno delle Due Sicilie”, tồn tại từ năm 1816 đến 1961, là quốc gia lớn nhất từng tồn tại trên bán đảo Ý trước khi nước Ý thống nhất). Vì thế, người dân Naples thường gọi đội bóng là “i polains” (những chú ngựa con) thuở đầu thành lập.
Đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh ý nghĩa và nguồn gốc thật sự của hình ảnh con ngựa. “Corsiero” (ngựa) là biểu tượng mang tính sử thi và huyền thoại liên kết với thành phố cũng như những người con Naples từ thời cổ đại. Một trong những ý kiến phổ biến cho rằng cha đẻ của Corsiero là nhà thơ La Mã cổ đại Vergilius, tác giả của bộ ba Eclogues, Georgics, và sử thi Aeneid - những tác phẩm tiêu biểu cho nền văn học Latin cổ điển. Tựu trung, ngựa được lựa chọn bởi sự thanh lịch, uy nghiêm, kiêu hãnh cùng tinh thần bất khuất, thứ gắn liền với người dân Napoli bao đời nay.
SSC Napoli Logo History
Which one's your favorite? 👇
▶ See more teams on https://t.co/aM4SqRElgV pic.twitter.com/dK1NDaKFYA
Dự đoán kết quả bóng đá tại ĐÂY
Biểu tượng ngựa Corsiero không đi cùng câu lạc bộ quá lâu, kể cả trên logo lẫn trong tâm trí người hâm mộ. Ở logo, đội bóng chỉ sử dụng thiết kế ngựa cùng các chữ cái ACN (Associazione Calcio Napoli) đúng một mùa giải, trước khi chuyển sang hình ảnh quả bóng (1927) và biểu tượng chữ N đặc trưng (1927-1964). Con ngựa cũng không trở thành linh vật mà suy tàn trong cái tên “ciuccio” - con lừa.
Napoli có sự khởi đầu đáng chờ đợi trong giai đoạn đầu cuộc phiêu lưu tại Serie A. Đội bóng dẫn dắt bởi Garbutt thường kết thúc mùa giải ở nửa trên bảng xếp hạng, thậm chí hai lần về thứ ba các mùa 1932/33 và 1933/34. Tuy nhiên, câu lạc bộ sa sút trông thấy mùa 1939/40, họ để thua đến 17 trận, chỉ hòa duy nhất 1 trận và tránh xuống hạng nhờ chỉ số bàn thắng trung bình. Thành tích bết bát này chính là nguồn cơn biến ngựa thành lừa. Chẳng phải chiến mã dũng mãnh, Napoli trông giống một con lừa mệt mỏi hơn.
Và từ đó, truyền thuyết về “ciuccio” - linh vật của đội bóng bắt đầu. Người hâm mộ ví von rằng đội bóng Naples lâm vào hoàn cảnh khó khăn bằng câu thành ngữ “O ciuccio 'e Fechella” (con lừa Fechella). Tương truyền, Fechella là người lữ hành đi vòng quanh thành phố Napoli bằng chiếc xe kéo bởi một con lừa tội nghiệp, mệt mỏi và ốm yếu. Đi chưa được vài bước thì con lừa hôi hám ngã quỵ và kiệt sức do lao động cưỡng bức. Ngày nọ, tại quán bar Brazil nơi những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Napoli tụ họp, một cổ động viên không chịu được mà hét lên: “a coda fraceta” (đội chả khác gì con lừa hay phàn nàn về ba mươi vết thương và cái đuôi thối!).
Nhà báo Felice Scandone cũng hiện diện trong quán bar ngày hôm ấy, nghe được và viết bài trên tờ báo nổi tiếng Naples là Corriere del Mezzogiorno. Phần còn lại là lịch sử.
Từ những câu nói đùa, con lừa dần hóa thành biểu tượng thay thế chú ngựa kiêu hãnh, lịch lãm và hiếu chiến. Điều này dẫn đến nhiều tranh cãi, rằng hình ảnh cao quý ngày nào lại “biến chất”, tạo ra con lừa bình dân và xấu xí. Đỉnh cao của mâu thuẫn là mùa giải 1982/83, khi huyền thoại Ruud Krol cùng các đồng đội khoác chiếc áo logo tùy chỉnh - chữ N đóng vai thân lừa, bao bọc bởi phần đầu có hai cái tai.
Cuối năm 2021, chủ tịch Aurelio De Laurentiis của Napoli từng có ý tưởng đưa Napoli về với logo chú ngựa kiêu hãnh "Corsiero del Sole" do chứng kiến thành công của đội bóng rổ.
Cuối cùng, mọi thứ cũng chỉ dừng ở mức dự định và chưa bao giờ thực hiện. Nếu logo, linh vật và màu sắc mang sứ mệnh cao cả nhất nhằm phản ánh nguồn gốc và bản sắc, liệu câu chuyện “ngựa và lừa” của Napoli có phải là dẫn chứng cho sự phát triển méo mó của biểu tượng? Liệu lừa có nên là một phần lịch sử Naples? Có lẽ chỉ những người thực sự yêu Napoli mới trả lời được.
XEM THÊM: Vì sao áo đấu Juventus mang sắc màu đen trắng?