Phân tích chiến thuật V-League: Ngày ra mắt Công An Hà Nội không như kỳ vọng của Quang Hải

07-03-2023
9 phút đọc
(CAHN)

Không chỉ chứng kiến Công An Hà Nội phải nhận thất bại tối thiểu trước đội chủ nhà SHB Đà Nẵng, tân binh Nguyễn Quang Hải còn có một màn thể hiện thiếu dấu ấn trong trận đấu ra mắt đội bóng nhiều tham vọng tại V-League. 

Tiền vệ trung tâm Quang Hải

Trong bối cảnh tiền vệ phòng ngự Nguyễn Trọng Long gặp chấn thương và không thể thi đấu, CLB Công AnHà Nội quyết định sử dụng tân binh Quang Hải trong vai trò tiền vệ trung tâm với sơ đồ 4-4-2 quen thuộc của mình. Tiền vệ mang áo số 19 chơi bên cạnh cầu thủ trẻ Hoàng Văn Toản, người cũng không có sở trường ở khả năng phòng ngự và thu hồi bóng. 

VTV5

Quang Hải được xếp trong vai trò tiền vệ trung tâm.

Đội bóng dẫn đầu trên bảng xếp hạng vẫn duy trì một phong cách triển khai bóng tương đối quen thuộc của mình qua nhiều trận đấu. Từ khu vực giữa sân, Công An Hà Nội ít khi triển khai bóng qua tuyến giữa, mà thường sử dụng nhiều các đường chuyền theo chiều sâu để tận dụng phẩm chất của các tiền đạo ngoại. 

SN

Định hướng triển khai bóng quen thuộc của CLB Công An Hà Nội. 

Đó có thể xem là hai trong số những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc Quang Hải gần như không tạo được dấu ấn ở thời điểm triển khai bóng trong cuộc đối đầu với SHB Đà Nẵng.

Nhưng quan trọng hơn cả, Quang Hải không phải là tân binh duy nhất của CLB Công An Hà Nội có trận đá chính đầu tiên cho đội bóng mới tại Hòa Xuân. Ngoài thủ thành Filip Nguyễn, một cái tên khác ít được nhắc đến hơn là ngoại binh mang áo số 70 Akwa Success cũng được tin tưởng và chơi trong vai trò tiền vệ cánh phải. Sự có mặt của Akwa, cùng thói quen chơi bóng của các cầu thủ Công An Hà Nội gần như khiến Quang Hải trở thành “người thừa” trong các đợt tấn công của đội khách ở trận đấu này. 

SN

Pha phối hợp điển hình của CLB Công An Hà Nội.

Công An Hà Nội vẫn luôn là như vậy trong nhiều vòng đấu đã qua tại V-League. Đội bóng này luôn muốn tận dụng tối đa khả năng của cặp đôi tiền đạo vô cùng ăn ý Gustavo và Jhon Cley trong những tình huống tấn công có nhiều sức nặng với các đường chuyền theo chiều sâu. Sự bổ sung Akwa, một cầu thủ có tố chất nhanh, mạnh và quyết đoán khác trên hàng công càng khiến đội bóng ngành công an kiên định vào lựa chọn lối chơi như thế. 

SN

Quang Hải có tư thế hỗ trợ, nhưng các đồng đội quyết định đưa bóng xuống sát đường biên. 

Vị trí của Akwa được kì vọng sẽ là nơi có thể giúp Quang Hải phát huy tối đa năng lực của mình trong khâu tấn công, nhưng sự có mặt của cầu thủ sinh năm 1998 người Nigieria này lại khiến số 19 của Công An Hà Nội tỏ ra lạc lõng trong lối chơi chung của toàn đội. 

SN

Công An Hà Nội tổ chức tấn công ở hành lang cánh phải. 

 

SN

Quang Hải gần như không tham gia vào tình huống bóng. 

Vai trò tiền vệ trung tâm trong cách bố trí lối chơi của CLB Công An Hà Nội thường được giao cho các tiền vệ có xu hướng hoạt động rộng và giỏi trong việc thu hồi lại quyền kiểm soát bóng. Với riêng cá nhân Quang Hải trong vai trò này, tân binh của CLB không chỉ bị hạn chế trong khâu tấn công, mà còn bị đặt vào các tình huống khó khi phòng ngự. 

Quang Hải trong khâu phòng ngự

Trước SHB Đà Nẵng, không khó để nhận ra Quang Hải gặp khó khăn ra sao khi phải kiểm soát các khoảng trống lớn ở khu vực trung tuyến trong thời điểm Công An Hà Nội phòng ngự. Tiền vệ này rõ ràng không phải một người có thể làm tốt ở khả năng đeo bám và thu hồi bóng. 

Scroll to Continue with Content
SN

Hệ thống phòng ngự của Công An Hà Nội.

 

SN

Quang Hải không thể quán xuyến tốt khu vực trung tuyến. 

Chẳng những không giỏi phòng ngự, Quang Hải và các đồng đội còn nhiều lần rơi vào các tình thế nguy hiểm khi hành lang bên cánh phải của đội khách không có sự hỗ trợ đủ tốt của Akwa Success, đặc biệt là trong hiệp 2 của trận đấu. Việc Akwa không hỗ trợ phòng ngự đủ tốt khiến Quang Hải thậm chí phải kiểm soát những khoảng trống lớn hơn – một nhiệm vụ bất khả kháng. 

SN

 

Cánh phải của Công an Hà Nội thiếu sự hỗ trợ trong phòng ngự. 

SN

Quang Hải bị kéo xa ra khỏi vị trí cần kiểm soát của mình. 

Đây không phải lần đầu tiên tiền vệ sinh năm 1997 được sử dụng trong vai trò một trong hai tiền vệ trung tâm ở khu vực giữa sân. Tại ĐTQG Việt Nam, đã nhiều lần HLV Park Hang-seo giao cho cầu thủ này vai trò tương tự. Tuy nhiên, đó hầu hết là các cuộc đối đầu với các đội bóng được đánh giá thấp hơn, và cách vận hành hệ thống phòng ngự trong sơ đồ 3-4-3 cũng hoàn toàn khác so với sơ đồ 4-4-2 như Công an Hà Nội đang kiên định lựa chọn. 

Chỉ 1 phút sau khi bị kéo khỏi vị trí ở tình huống trong phút thứ 61, Quang Hải có thêm một pha phạm lỗi trong nỗ lực tranh cướp bóng của mình ở giữa sân. Đó cũng là pha bóng mà SHB Đà Nẵng tổ chức lại đợt triển khai bóng của mình và có được bàn thắng duy nhất của trận đấu do công của Lucao. 

SN

Quang Hải không giỏi trong các pha tranh chấp tay đôi. 

 

(SN)

Tình huống dẫn đến bàn thắng duy nhất của SHB Đà Nẵng. 

Có thể hiểu được ý định sử dụng những cầu thủ tấn công tốt nhất trong đội hình của CLB Công An Hà Nội nhằm hướng đến mục tiêu thắng trận và xa hơn là tranh chấp danh hiệu vô địch. Song, sử dụng Quang Hải trong vai trò tiền vệ trung tâm ở sơ đồ 4-4-2 rõ ràng là một lựa chọn thiếu sự cân bằng cho cách vận hành lối chơi tổng thể của các đội bóng. Nó không chỉ khiến Quang Hải tỏ ra mờ nhạt trong khâu tấn công, mà còn đặt bản thân cầu thủ này vào những điểm yếu rõ ràng ở thời điểm phòng ngự. 

Đó rõ ràng không phải cách để tiền vệ mang áo số 19 phát huy toàn bộ phẩm chất của mình. 

XEM THÊM: 10 cầu thủ đắt giá nhất Việt Nam