Khi nhìn thấy những cầu thủ khoác lên mình một chiếc áo đấu Nike hoàn hảo, đã bao giờ bạn tự hỏi chiếc áo này được tạo ra như thế nào chưa? Hãy cùng The Sporting News và Chuyện Áo Đấu tìm hiểu quá trình Nike cho ra đời một chiếc áo đấu trong bài viết hôm nay.
Quá trình Nike sản xuất áo đấu cho Barcelona, Liverpool và PSG
Bước 1: Lên ý tưởng và phác thảo thiết kế
Đối với người hâm mộ, trang phục thi đấu là chủ đề đáng quan tâm và đôi khi tạo nên những tranh cãi. Vào thời điểm mùa giải sắp kết thúc, thường có vô số những đồn đoán về trang phục thi đấu mùa tiếp theo.
Thực tế, đội ngũ nhà sáng tạo của Nike bắt đầu thu thập ý tưởng và phác thảo bản mẫu cho thiết kế mới trước đó tận 2 năm. Điều này giúp Nike có thời gian thay đổi và thực hiện những chỉnh sửa cần thiết để cho ra sản phẩm hoàn hảo nhất.
Đội ngũ thiết kế của Nike sẽ liên hệ với đại diện câu lạc bộ nhằm thu thập thông tin về nhu cầu thẩm mỹ, nhà tài trợ cũng như các yếu tố truyền thống, lịch sử của đội bóng. Các tư vấn viên cũng đồng thời tham gia cung cấp thông tin về xu hướng thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng. Sau khi thu thập đủ thông tin cần thiết, nhà thiết kế bắt tay vào công đoạn quan trọng: Vẽ ra các bản phác thảo ban đầu.
Nên giữ nguyên form cũ hay là đổi mới? Thiết kế hoài niệm hay hướng đến tương lai? Đó là những câu hỏi mà nhà thiết kế phải suy nghĩ khi bắt tay phác thảo áo đấu. Theo xu hướng hiện nay, thiết kế cổ điển thường là nguồn cảm hứng không thể thiếu cho ý tưởng mới. Chẳng hạn, áo đấu của PSG mùa giải 2023/24 được thiết kế với sọc đỏ trắng chạy dọc dựa trên chiếc áo từ năm 2000.
Áo đấu sân khách với logo giai đoạn 1975-2002 của Barcelona năm nay cũng dựa trên bộ trang phục của Blaugrana trong thập niên 1970, sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại có thể sẽ giúp mẫu áo này trở thành áo sân khách bán chạy nhất trong lịch sử CLB (theo Catalunya Radio).
Dự đoán kết quả trận đấu tại ĐÂY
Nike thường sử dụng một mẫu chung làm tiêu chuẩn cho cả mùa giải (gọi là template) và sẽ thiết kế tùy chỉnh riêng cho từng câu lạc bộ. Đối với những đội bóng hàng đầu, quá trình thiết kế kéo dài hơn.
Khi nói đến trang phục thi đấu bóng đá, ít ai có thể sánh bằng chuyên môn thiết kế của Craig Buglass và Rob Warner, hai nhà sáng lập của Spark Design Academy. Đây là một trường đào tạo thiết kế chuyên nghiệp ở Anh, tập trung vào lĩnh vực thiết kế áo bóng đá. Craig Buglass là một tên tuổi lớn trong ngành, ông đã từng nắm giữ chức vụ Giám đốc sáng tạo tại Nike và cũng là người thiết kế áo thi đấu cho tuyển Brazil khi họ giành chức vô địch World Cup lần thứ 5 vào năm 2002.
Đưa ra dự đoán kết quả bóng đá tại ĐÂY
Bước 2: Mô phỏng trang phục
Ở bước này, một phiên bản 3D mô phỏng thiết kế được dựng lên. Áo đấu 3D cũng sẽ được thể hiện trên nhiều mẫu người với vóc dáng khác nhau, thực hiện các chuyển động mô phỏng để đánh giá độ thẩm mỹ, sự thoải mái của bộ trang phục.
Quản lý cấp cao của Nike là người trực tiếp chịu trách nhiệm theo dõi, điều đó cho thấy vai trò trọng yêu của khâu này trong cả quá trình. Sau đó, Nike đưa bản mẫu này đến câu lạc bộ để xem xét và thực hiện những thay đổi nếu được yêu cầu. Từ thiết kế phác thảo đến bản mẫu 3D cuối cùng, tất cả diễn ra trong khoảng 18 tháng trước khi sản phẩm chính thức ra mắt.
XEM THÊM: Nike đã vươn lên thống trị ngành công nghiệp bóng đá như thế nào?
Bước cuối: Sản xuất, công bố và quảng cáo
Khi không có thêm bất cứ chi tiết nào cần thay đổi và mẫu thiết kế được thông qua, Nike sẽ tiến hành sản xuất thử nghiệm với số lượng nhỏ. Nike hiện có rất nhiều nhà máy sản xuất áo đấu ở các quốc gia như Việt Nam, Campuchia, Indonesia. Cùng thời gian này, Nike cũng cố tình “để lộ” ra những hình ảnh của mẫu áo đấu mới nhằm đánh giá phản ứng của người hâm mộ.
5 tháng trước khi công bố chính thức, hàng trăm ngàn chiếc áo được đưa vào sản xuất chờ ngày lên kệ. Ngôi sao của những đội bóng sẽ mặc chiếc áo đấu của mùa giải mới và thực hiện các bộ ảnh, video quảng bá cho sản phẩm. Bên cạnh thành tích thi đấu, chiến dịch quảng cáo trước mùa giải đóng góp không nhỏ vào doanh số bán hàng.
Áo đấu của đội tuyển bóng đá nữ Hoa Kỳ ở World Cup Nữ 2019 đang nắm giữ kỷ lục số áo bán ra nhiều nhất mọi thời đại của Nike ở cả phiên bản nam và nữ, doanh thu tăng 500% so với kỳ World Cup trước (theo tờ ESPN). Sự thành công của đội tuyển bóng đá nữ xứ cờ hoa hai mùa World Cup 2015 và 2019 liên tiếp cùng những chiến dịch quảng cáo ý nghĩa như “American Woman” đã giúp cho Nike đạt được con số kỷ lục này.
Nike thu về hàng tỷ euro nhờ việc bán áo đấu. Trên thị trường, mỗi một chiếc áo đấu bán ra sẽ có giá từ 70 - 100 euro phụ thuộc vào chất liệu, các chi tiết trên áo.
Không như nhiều người nghĩ, câu lạc bộ chủ quản sẽ chỉ nhận được 10-15% từ doanh thu bán áo, như Barcelona nhận được 30 triệu Euro hàng năm trong tổng số 200 triệu Euro mà Nike thu được từ việc bán áo của Barca.
Mặc dù gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của Adidas nhưng áo đấu Nike bán ra cũng không hề kém cạnh. Trong nhóm những câu lạc bộ bán được nhiều áo đấu nhất năm 2022, Nike góp mặt 5 cái tên là Liverpool, Barcelona, Chelsea, PSG và Atletico Madrid. Liverpool là đội bóng bán chạy nhất với hơn 2,2 triệu áo. Trong vòng 10 năm, Nike đã thu về khoản lợi nhuận gần 1 tỷ euro từ việc bán áo đấu. Đây thực sự là một khoản đầu tư sinh lời vô cùng lớn.
Đằng sau một chiếc áo đấu hoàn hảo cho những trận cầu nảy lửa trên sân là một quá trình thiết kế, sản xuất tỉ mỉ và cẩn thận. Nike hiện đang tài trợ trang phục cho gần một trăm đội bóng trên toàn thế giới, khẳng định uy tín cũng như sự chuyên nghiệp trên từng chiếc áo đấu mà The Swoosh đã mang lại.
XEM THÊM: Vì sao áo bóng đá ngày càng đắt đỏ?