Năm 1962, chàng sinh viên Phil Knight vừa tốt nghiệp Đại học Stanford với tấm bằng MBA. Ngoài tình yêu đã nảy nở với thể thao, ông còn ôm trong mình giấc mộng khởi sự một doanh nghiệp bán giày chạy bộ.
Ông có ý tưởng nhập giày từ Nhật Bản, nơi có những cửa hàng bán giày rẻ hơn với chất lượng tương đương Adidas hay Puma của Đức vốn đang làm mưa làm gió tại Hoa Kỳ thời điểm đó. Với khởi đầu khiêm tốn như thế, làm sao Nike trở thành đế chế khổng lồ trong ngành công nghiệp thời trang thể thao nói chung và bóng đá nói riêng?
Hãy cùng The Sporting News và Chuyện Áo Đấu tìm câu trả lời và khám phá hành trình phi thường của The Swoosh - hành trình tái định hình bóng đá thế giới qua những đôi giày và áo đấu!
Nike đã khởi đầu như thế nào?
Đầu tiên, Knight bay đến đất nước Mặt trời mọc. Tại đây, ông đã gặp đối tác đầu tiên của mình là Onitsuka Tiger và đề nghị trở thành đại lý phân phối của hãng này ở Mỹ. Không có gì trong tay ngoài khao khát hiện thực hóa ý tưởng, Knight đã quyết định đâm đầu “cứ làm đi”. Knight cộng tác với Bill Bowerman - huấn luyện viên chạy bộ cũ ở trường đại học. Đầu năm 1964, Blue Ribbon Sports - tiền thân của Nike, được thành lập với vốn đầu tư chỉ 1000 USD.
Doanh số bán hàng của BRS ngày càng tăng. Sau những nỗ lực cải tiến, giày chạy bộ Tiger Cortez ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt. Chính Bowerman là người tiên phong mang lại sự đổi mới trong thiết kế của Nike, tạo tiền đề cho các dòng giày bóng đá Nike sau này. Đến năm 1971, mối quan hệ giữa BRS và Onitsuka Tiger chấm dứt, Knight bắt đầu việc thiết kế và định vị thương hiệu, đổi tên thành Nike. Từ nguyên của “Nike” là tên của nữ thần chiến thắng trong Thần thoại Hy Lạp còn logo Nike Swoosh thể hiện cho đôi cánh của nữ thần ấy.
Từ thập niên 80, Nike đã bắt đầu tài trợ cho các đội bóng. Tuy nhiên, sự hiện diện trên sân cỏ vẫn chưa được mạnh mẽ. Bước ngoặt chỉ bắt đầu khi Nike ký kết hợp đồng tài trợ với đội tuyển bóng đá Brazil vào năm 1996. Nike bắt đầu đẩy mạnh sản xuất giày bóng đá, áo đấu, phụ kiện, tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá và cầu thủ nổi tiếng.
Kể từ Thế vận hội Munich 1972, Nike đã phát triển không ngừng và trở thành hãng chuyên đồ thể thao lớn nhất tại Mỹ nhờ các chiến dịch marketing hoàn hảo. Steve Jobs từng chia sẻ: [...] “Họ tôn vinh thể thao, họ kể những câu chuyện về con người – những người anh hùng6, nhà vô địch và các vận động viên đang cố gắng từng ngày để phá vỡ những giới hạn của bản thân mình.” Đế chế tỷ đô Nike đã biến những sản phẩm của họ trở thành một biểu tượng, một phong cách sống mới, không ngừng truyền cảm hứng.
Dự đoán kết quả bóng đá tại ĐÂY
Nike vươn lên trong ngành công nghiệp bóng đá
Trước khi Nike ra đời, Adidas và Puma đã thay nhau thống trị thị trường đồ thể thao thế giới. Thời điểm xuất hiện Nike, Converse và Reebok cũng là những hãng giày thể thao phổ biến. Mặc dù Adidas vẫn đang là hãng thể thao lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, nhưng Nike đã bắt đầu tìm cách để cạnh tranh và thu hút khách. Nike đã tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và quảng cáo, tìm cách để đưa sản phẩm của mình vào các sự kiện thể thao lớn.
Thất bại trong lĩnh vực bóng đá khiến Nike chuyển hướng sang các môn thể thao khác và không quay lại thị trường này trong gần một thập kỷ. Năm 1978, Nike Football tái xuất bằng bản hợp đồng với CLB Portland Timbers, cung cấp áo đấu và trang thiết bị cho đội bóng vùng Oregon. Nike cũng đã cải tiến giày bóng đá và cho ra mắt công nghệ Air giúp cầu thủ tối ưu hoạt động của bàn chân. Bốn năm sau, họ đạt nhiều bước đột phá trong bóng đá khi băng qua Đại Tây Dương để thâm nhập vào thị trường nước Anh lúc đó vẫn ưa chuộng Adidas và Puma.
Nike tài trợ giày cho Aston Villa và hình ảnh về một đại chiến giữa hai thương hiệu thể thao hàng đầu đã bắt đầu nhen nhóm khi Aston Villa đánh bại Bayern Munich của Adidas để lên ngôi vô địch European Cup. Cùng năm, Nike ký hợp đồng với huyền thoại Ian Rush cũng như tài trợ áo đấu cho Sunderland.
Sau thời kỳ huy hoàng, Nike bắt đầu rơi vào khủng hoảng vào thập niên 80 khi phải đối mặt cáo buộc lạm dụng lao động trẻ em và đối xử tệ bạc với người lao động. Đứng trước những sai lầm nghiêm trọng trên, người sáng lập Phil Knight đã buộc phải tự kiểm điểm nghiêm ngặt đưa ra những chiến thuật mới nếu không muốn lụi tàn.
Năm 1988, chiến dịch “Just do it” đã đưa Nike đến khắp các châu lục. Slogan lấy ý tưởng từ câu nói cuối cùng của tên tù nhân người Mỹ Gary Gilmore trước khi bị hành quyết: "Let's do it". Chiến dịch khuyến khích mọi người vực dậy tinh thần, dám làm điều mình muốn. Bên cạnh đó, chiến lược hợp tác với các vận động viên ngôi sao như Michael Jordan, Tiger Woods, Lebron James đã thực sự giúp Nike vươn mình trở thành hãng thể thao lớn nhất thế giới. Dựa trên những thành tựu đáng kinh ngạc trong thời gian ngắn, Nike thành công giao kèo với các đội tuyển, CLB hàng đầu làng túc cầu, trong đó phải kể đến Brazil hay Manchester United.
Nike và sự thống trị giày bóng đá
Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường bóng đá, Nike quyết định đầu tư mạnh tay hơn. Thực tế, Nike Football đã bắt đầu hành trình từ năm 1971 với sự xuất hiện của đôi giày bóng đá đầu tiên có biệt danh là “Moon Shoe”. Tuy nhiên, chất liệu đôi giày không đủ bền và bị nứt trong khí hậu lạnh ẩm. Năm 1985, Nike ra mắt Nike Tiempo đơn giản với thân giày bằng da bê để khắc phục nhược điểm trên.
Năm 1996, Nike mở nhà máy sản xuất phụ kiện bóng đá ở Italy, đây là trung tâm chính nhằm phát triển và thử nghiệm giày bóng đá chất lượng cao. Sau Tiempo, Nike ra mắt Air Zoom nhưng không thực sự được đón nhận và nhanh chóng bị lu mờ bởi những đôi giày có công nghệ tiên tiến khác của Đức. Chỉ đến World Cup 1998, khi Ronaldo de Lima biến đôi giày Mercurial đã trở thành best-seller của Nike trong suốt một thời gian dài. Dòng Mercurial được thiết kế gọn nhẹ, với đế giày carbon giúp bám tốt trên sân cỏ, dành riêng cho các cầu thủ tốc độ như Cristiano Ronaldo hay Neymar sau này.
Nike liên tục cải tiến, kết hợp vật liệu dệt kim công nghệ cao, gắn chip cảm biến, cho ra đời hàng loạt dòng giày chất lượng cao như Nike Hypervenom, Nike Flyknit. Nike đã dựa trên sự chênh lệch kích cỡ giữa chân thuận và không thuận để tạo ra những cỡ giày riêng cho cầu thủ. Điểm đột phá mới nữa là những đôi giày được thiết kế theo sở thích, mang ý nghĩa đặc biệt, bùng nổ từ Mercurial Superfly IV CR7 “324k Gold” là đôi giày kỷ niệm lần thứ 4 giành QBV của Ronaldo vào năm 2016.
Nike còn sản xuất giày chuyên biệt hóa dựa trên vị trí và lối chơi, những cầu thủ hàng tấn công sẽ dùng loại giày nhẹ nhất, hỗ trợ tăng tốc cực nhanh, cầu thủ chơi ở vị trí tiền vệ dùng loại giày hỗ trợ cảm giác bóng giúp họ kiểm soát bóng tốt hơn. Chính việc đặt khách hàng làm trung tâm đã giúp cho những mẫu giày của Nike luôn được giới cầu thủ ưa chuộng. Theo Footy Headlines, tại kỳ World Cup 2022 diễn ra vào năm ngoái, hơn một nửa cầu thủ đi giày Nike.
Đưa ra dự đoán kết quả thể thao tại ĐÂY
Áo đấu Nike và những ngôi sao đại diện thương hiệu
Mặc dù có khởi đầu không mấy thuận lợi với việc sản xuất giày, Nike không gặp bất kỳ trở ngại nào khi bắt tay vào thiết kế áo thi đấu. Sunderland là đội bóng Anh đầu tiên mặc áo đấu của Nike ở mùa giải 1982/1983. Mặc dù nhập cuộc World Cup muộn nhưng The Swoosh cũng không hề kém cạnh Adidas về khoản cung cấp áo đấu. Kể từ kỳ World Cup 1998 đến nay, Nike đã tài trợ áo đấu cho 63 đội tuyển trên thế giới, con số vô cùng ấn tượng. Tại World Cup 2022, Nike thiết kế áo đấu cho 13/32 đội tuyển, vượt mặt Adidas.
Nike cũng tỏ ra mát tay ở cấp câu lạc bộ khi tài trợ cho nhiều đội bóng khổng lồ như Barcelona, PSG, Liverpool, Chelsea,.. Chắc hẳn, người hâm mộ bóng đá chưa thể quên được mẫu áo xanh nửa đỏ của Barcelona thời kỳ hoàng kim với cú ăn 6 lịch sử mùa giải 2008/09.
Được giới thiệu vào năm 1991, nhưng đến nay, công nghệ Dri-fit vẫn được coi là cốt lõi trong các sản phẩm áo thi đấu của Nike. Tính năng này được xem như tiêu chuẩn của ngành công nghiệp sản xuất đồ thể thao. Công nghệ vải sợi tổng hợp dưới dạng siêu nhỏ có nhiều ưu điểm giúp tối ưu hiệu năng chơi bóng của cầu thủ. Kể từ năm 2020, với cải tiến mới trong công nghệ áo đá bóng của Nike, từ các đường nét vẽ tay cho đến phông chữ riêng, Nike cho phép có đến 65 tùy chỉnh khác nhau trên một chiếc áo.
Nike luôn thay đổi áo đấu theo thị hiếu của người hâm mộ lẫn đội bóng, những mẫu áo được thiết kế với cảm hứng từ truyền thống văn hóa, nghệ thuật đã để lại dấu ấn không nhỏ trong bộ sưu tập thời trang thể thao. Một trong những thiết kế kinh điển gần nhất của Nike là áo đấu tuyển Nigeria tại World Cup 2018, chiếc áo thể hiện lòng tự tôn dân tộc với thân áo màu xanh trắng chủ đạo kết hợp cùng họa tiết tay áo sọc đen biểu tượng cho cánh chim đại bàng. Mẫu áo này gây sốt khi cháy hàng chỉ sau 3 phút mở bán.
Khoản đầu tư Nike bỏ ra cho các cầu thủ bóng đá luôn là những con số “biết nói”. Nike thường hợp tác với những ngôi sao đẳng cấp thế giới để quảng bá cho thương hiệu, mang lại hình ảnh khỏe khoắn cùng sự nghiệp thành công luôn có sự đồng hành của Nike. Đại sứ thương hiệu của Nike đời đầu có thể kể đến là huyền thoại Liverpool Ian Rush, nữ tuyển thủ người Mỹ Mia Hamm. Trong đó, Cristiano Ronaldo được xem là biểu tượng mọi thời đại của hãng khi giúp cho Nike thu về hàng trăm triệu đô nhờ bán áo đấu và quảng cáo sản phẩm. Năm 2016, Nike đã ký với Ronaldo hợp đồng trọn đời trị giá 1 tỷ bảng Anh, khẳng định đãi ngộ khủng của Nike dành cho giới cầu thủ.
Bên cạnh Ronaldo, đội hình ngôi sao của Nike còn có Kylian Mbappe, Kevin De Bruyne, Harry Kane,... Mới đây, Nike đã tái hợp tác với siêu sao người Na Uy Erling Haaland, nối dài tương lai cho chiến lược quảng bá của mình.
Nike cũng đặc biệt quan tâm đến nữ cầu thủ khi luôn tung ra những chiến dịch ủng hộ cầu thủ nữ như “Dream Further”, “What the Football”. Alexia Putellas, Alex Morgan, Sam Kerr hay QBV nữ 2019 Megan Rapinoe đều là những gương mặt do Nike tài trợ. Trước thềm World Cup Nữ sẽ diễn ra vào mùa hè này, Nike cũng trình làng những mẫu áo đấu trong các phối màu độc đáo và bắt mắt, đại diện cho một kỷ nguyên hoàn toàn mới của bóng đá nữ.
Những nỗ lực của Nike trong nhiều năm đã biến Nike trở thành thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng, đồng thời là công ty sản xuất đồ thể thao lớn nhất hiện nay. Sau 50 năm, câu chuyện bắt đầu từ giấc mơ về những đôi giày thể thao, khao khát vươn lên vượt qua mọi khuôn khổ đã truyền cảm hứng cho hàng chục triệu người trên thế giới.
XEM THÊM: Đội tuyển quốc gia nào có hợp đồng tài trợ trang phục dài nhất lịch sử bóng đá?