Vì sao logo các đội bóng ngày càng đơn giản và hiện đại?

07-22-2023
11 phút đọc
Getty Images

“Football has lost its soul” - Bóng đá đánh mất linh hồn - là câu nói phổ biến ám chỉ sự thay đổi nhanh chóng của môn thể thao vua. Những điều quen thuộc dần biến mất, thay bằng nhiều cải tiến mới mẻ và xa lạ với người hâm mộ.

Thay đổi logo đội bóng là một làn sóng như thế. Và cũng giống các cuộc cách mạng khác về trọng tài, giải đấu hay luật bóng đá, mỗi chiếc logo ra đời lại dấy lên tranh luận không hồi kết từ các cổ động viên.

Đúng hay sai, bản sắc hay bề nổi, mời các bạn theo chân The Sporting News và Chuyện Áo Đấu đến với “thế giới logo” để khám phá thêm những câu chuyện và góc nhìn!

Có thể khó tin, nhưng mọi đội bóng tham gia Ligue 1 mùa rồi đã đổi logo ít nhất một lần trong thế kỷ 21. Chẳng phải xu hướng nhất thời, đây rõ ràng là thực tế bắt nguồn từ nhu cầu cụ thể trong bóng đá thời nay: Tiếp cận thị trường thông qua biểu tượng đơn giản, dễ đọc và thân thiện với các nền tảng kỹ thuật số. “Logo là thứ không được chạm vào”, một bộ phận cổ động viên Valladolid tuyên bố khi câu lạc bộ thay đổi logo năm ngoái.

Nhưng sự thật là, logo giờ đây không còn bất khả xâm phạm nữa.

XEM THÊM: Lịch sử logo Atletico Madrid: Ý nghĩa hình ảnh chú gấu và cây dâu

Lịch sử logo trong bóng đá

Logo của nhiều đội bóng châu Âu chịu ảnh hưởng từ thiết kế quốc huy, vốn dùng từ thời cổ đại nhằm phân biệt các dòng họ, thành phố hoặc cá nhân. Chẳng hạn như logo đầu tiên của Liverpool năm 1892 là quốc huy thành phố này, với sự xuất hiện của hai vị thần Neptune và Triton cùng chim Liver.

Diện mạo quốc huy rõ ràng là ấn tượng, mang đậm màu sắc sử thi nhưng không liên quan nhiều đến bóng đá. Đó là lý do sau này các đội phát triển thêm các hình ảnh thuộc về môn thể thao vua, slogan hoặc biểu tượng đại diện cho sự kiện trong lịch sử câu lạc bộ. 

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào hiện đại hóa logo hình thành với các tiêu chuẩn thiết kế mới. Trường phái International Typographic Style (hay Swiss Style - “Phong cách Thụy Sĩ”), phong cách thiết kế sử dụng bố cục bất đối xứng, dạng lưới và phông chữ sans-serif không chân hiện đại, đang phát triển mạnh mẽ khiến các chi tiết trang trí không cần thiết bị bỏ đi. Đây cũng là khởi đầu của những chiếc logo tối giản, gọn gàng và có phần tương đồng với ngày nay.

Những năm 80 và 90, các mẫu logo cổ điển một lần nữa hồi sinh. “Thập niên hoài cổ” chứng kiến những thiết kế tôn vinh lịch sử và mối liên hệ với người hâm mộ, củng cố lòng trung thành và niềm tự hào về di sản phong phú của đội bóng. Chính bởi thế, đây được xem là giai đoạn tạo nên những thiết kế ăn sâu vào tâm trí cổ động viên - một trong những lý do chính khiến người hâm mộ khó lòng chấp nhận hình ảnh mới. Logo thuở ấy là một phần cuộc đời và kí ức của họ.

Mọi thứ vận động, xoay vòng và thay đổi một lần nữa. Logo tối giản trở lại trong thập kỷ vừa qua. Màu sắc rực rỡ của các hình ảnh truyền thống không còn, thiết kế phức tạp không còn. Tất cả được thay thế bởi những biểu tương đơn giản nhất và slogan dễ nhớ nhất. Logo bóng đá giờ đây không chỉ là hình ảnh để thêu lên áo đấu mà hoạt động với vai trò tương tự nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp: thúc đẩy thương mại, phù hợp với nhiều ấn phẩm, nền tảng khác nhau, đạt hiệu quả tiếp thị tối đa.

Đưa ra dự đoán về kết quả trận đấu tại ĐÂY

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ châu Âu, chúng ta sẽ còn nghe nhiều câu chuyện tranh cãi. Mọi thứ đơn giản hơn khi nhìn sang một khu vực, giải đấu khác ít truyền thống bóng đá hơn, ví dụ Hoa Kỳ. Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) mới thành lập từ năm 1993, và ngay từ thuở đầu, logo của các đội bóng tại đây đã hoạt động giống nhận diện doanh nghiệp. Không nhiều dấu ấn lịch sử hay văn hóa, những người quản lý gặp ít khó khăn hơn nếu muốn thay đổi logo.

Scroll to Continue with Content

Những ví dụ tiêu biểu về thay đổi logo trong bóng đá

Một trong những trường hợp nổi tiếng đã trở thành bài học kinh điển trong giai đoạn “thay da đổi thịt này” là Juventus. “Bà đầm già” đi đầu xu hướng khi thay đổi logo vào năm 2017, với mục đích không gì khác ngoài tối đa hóa tác động của thương hiệu. Từ đó đến nay, có thể kể ra rất nhiều cái tên khác đổi logo, đặc biệt trong hai mùa hè vừa qua.

Trên bình diện câu lạc bộ, chúng ta có kể ra quá nhiều đội bóng như Inter Milan, Brentford, Deportivo Alaves, Fiorentina, Hellas Verona, SSC Bari hay Hull City. Tương tự ở đội tuyển quốc gia với Brazil, Tây Ban Nha, Mexico, Bỉ, Úc, Nhật Bản, Thụy Điển, Colombia.

Không chỉ các đội bóng, liên đoàn và các giải đấu cũng lần lượt thay đổi logo và nhận diện để phù hợp hơn với thời đại mới. Gần đây nhất, La Liga công bố diện mạo hoàn toàn lạ lẫm từ mùa giải 2023/24. Đây là điều đã được báo trước khi Liên đoàn và đội tuyển nước này đều đã thay đổi logo.

Trong kỷ nguyên mới của logo, các thiết kế được trình làng thường nằm giữa hai đầu mút thành công và thất bại. Lúc nào cũng sẽ tồn tại một bộ phận yêu thích và một nhóm khác không chấp nhận đổi thay. Tuy nhiên, có vài trường hợp được xem là thất bại thảm hại, khi thay đổi vừa được đưa ra là nhận ngay về vô số gạch đá, thậm chí phải rút lại quyết định.

Năm 2018, Leeds United công bố mẫu logo mới nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập câu lạc bộ. Mọi chi tiết trước đó bị xóa bỏ, tên đội bóng viết đầy đủ thành “Leeds United” thay vì “LUFC” như trước, đi cùng biểu tượng một người đặt bàn tay lên ngực trái.

Dự đoán kết quả bóng đá tại ĐÂY

Chưa đầy 24 giờ sau thông báo, câu lạc bộ nhận bản kiến nghị gồm… 77.000 chữ ký phản đối của cổ động viên. Người hâm mộ đội bóng nước Anh không tìm thấy yếu tố nào đại diện cho Leeds trong logo mới, cũng như không cảm thấy đồng điệu và tự hào với thiết kế này. Một lý do khác là Leeds đã không hề thông báo rằng đội bóng sẽ thay đổi nhận diện và không coi cổ động viên là một phần trong quyết định quan trọng. 

Atletico Madrid gần đây cũng đã phải thông báo chuyển về logo cũ từ mùa 2024/25, chỉ 6 năm sau khi thay đổi. Đây cũng là sự việc xuất phát từ bất đồng quan điểm giữa cổ động viên và đội bóng. Trong suốt 6 năm, người hâm mộ thủ đô chưa bao giờ hài lòng với hình ảnh mới.

David Beckham từng chia sẻ thế này: “Câu chuyện không nằm ở cái tên sau lưng, mà ở logo trên ngực áo.” Logo trong bóng đá không giống và chưa bao giờ giống logo các doanh nghiệp kinh doanh. Logo không chỉ đại diện cho đội bóng mà từ lâu đã trở thành phong cách sống, bản sắc của cộng động và thành phố. Vượt trên những giới hạn thương mại, mọi thay đổi cần đảm bảo tính hợp lý và sự đồng thuận từ các bên liên quan - với trung tâm là người hâm mộ đội bóng.

Trong thời đại mới, thay đổi là không thể tránh khỏi. Nhưng thay đổi thế nào để giữ được bản sắc và chạm tới trái tim những người yêu đội bóng, chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

XEM THÊM: Xu hướng Blokecore kết hợp giữa thời trang và bóng đá: Từ trào lưu Tiktok đến Blackpink và Adidas