Vì sao đội tuyển Italy mặc áo màu thiên thanh? Nguồn gốc Azzurri đến từ một giai thoại lịch sử

Author Photo
Andrea Pirlo - CROPPED

Không có màu sắc nào gần gũi với đội tuyển Ý hơn màu xanh lam. Đoàn quân Thiên thanh đã lập nên nhiều kỳ tích khó tin trong lịch sử bóng đá, làm nức lòng giới mộ điệu.

Mặc dù quốc kỳ Italy có 3 màu xanh lá, trắng, đỏ, nhưng họ lại chọn màu xanh lam cho áo đấu chính thức. Vậy, lý do là gì? Hãy cùng Sporting News và Chuyện Áo Đấu tìm hiểu.

Màu thiên thanh bắt nguồn từ một giai thoại lịch sử

Thông thường, trang phục thi đấu của nhiều đội tuyển quốc gia được dựa trên màu quốc kỳ, nhưng cũng có những ngoại lệ như người Hà Lan mặc áo màu cam - màu của Vương tộc Orange-Nassau, Hoàng gia Hà Lan; người Đức mặc áo màu trắng theo cờ Đế quốc Phổ lớn mạnh. Và chúng ta có tuyển Ý với màu xanh lam.

Nguồn gốc sắc xanh lam được cho là bắt nguồn từ năm 1366 bởi Bá tước Amadeus VI của Hoàng gia Savoia. Nhà Savoia là một gia tộc hoàng gia cổ đại, hình thành vào năm 1003 tại Savoy, ngày nay là Rhône-Alpes, Pháp. Họ liên tục mở rộng lãnh thổ và đến năm 1720 thì trị vì cả Vương quốc Sardegna ở tây bắc Ý.

Trước khi tiến hành cuộc thập tự chinh vào vùng đất thánh Jerusalem, Amadeus VI đã treo một lá cờ màu xanh bên cạnh huy hiệu Gia tộc Savoia, phía trên soái hạm của mình. Màu xanh trong Công giáo là màu liên quan sâu sắc đến hình ảnh Đức Mẹ Maria, khi Người thường xuất hiện cùng chiếc áo choàng xanh thiêng liêng. Từ đây, Bá tước Amadeus VI tin rằng màu sắc xanh sẽ mang lại sự chở che, bảo vệ cho quân đội của ông.

Sau đó, màu xanh được thêm vào cờ Savoy và dần dần được công nhận là một trong những màu sắc chính thức trên phù hiệu. Một nhánh của nhà Savoia đã thành công thống nhất nước Ý vào năm 1861, và màu xanh lam vẫn được sử dụng trên lá cờ cho đến khi chế độ quân chủ kết thúc vào năm 1946.

Ngày nay, ngoài việc đại diện cho bóng đá Ý, sắc màu ấy còn xuất hiện trên cờ của vùng Piedmont, Liguria và thành phố Turin. 

Getty Images

Trong tiếng Ý, màu thiên thanh là Gli Azzurri, đây cũng là nguồn gốc biệt danh của đội tuyển. Áo đấu sắc xanh được sử dụng lần đầu vào 06/01/1911 trong trận đấu với Hungary. Trước đó, ở trận gặp Pháp tại World Cup 1910, đội tuyển quốc gia Italy mặc áo trắng vì chưa thống nhất màu sắc. Sau đó, áo màu xanh bị thay thế bằng màu đen dưới thời kỳ phát xít Benito Mussolini. Theo màu quốc kỳ ngày nay, Ý cũng thường dùng màu xanh lá cho áo sân khách và áo tập, nhưng màu đỏ lại ít khi hiện diện trên sân.

XEM THÊM: Kappa: Hành trình khẳng định vị thế với Serie A và bóng đá Italy

Lịch sử màu thiên thanh qua những thăng trầm của đội tuyển Ý

Từ chiến thắng vĩ đại nhất cho đến những thất bại cay đắng nhất, màu xanh lam đã đại diện cho bóng đá Ý trong hơn 100 năm. Thời kỳ đầu, áo đấu của tuyển Ý chủ yếu tự sản xuất hoặc được các hãng thời trang gia đình cung cấp. Họ giành 2 chức vô địch World Cup liên tiếp năm 1934 và 1938 trong những chiếc áo như vậy.

Đưa ra dự đoán kết quả bóng đá tại ĐÂY

Thời kỳ hậu thế chiến thứ 2, Azzurri không mấy thành công ở 5 kỳ World Cup liên tiếp, tính từ năm 1950. Năm 1958, Ý không thể vượt qua vòng loại và lần đầu tiên phải ngồi ở nhà xem World Cup. Mặc dù thời điểm này Ý đã nổi lên là một đội tuyển mạnh nhưng mãi cho đến năm 1974, họ mới chính thức được tài trợ bởi một hãng thể thao lớn là Adidas. 

Sau Adidas, tuyển Ý hợp tác với thương hiệu thể thao Le Coq Sportif, thiết kế chủ yếu là áo có cổ với đường kẻ 3 màu theo màu quốc kỳ làm toát lên vẻ lịch lãm. Hãng này bắt đầu cung cấp áo đấu cho tuyển Ý từ năm 1980 và gắn liền với thế hệ cầu thủ mới, đáng chú ý nhất có Paolo Rossi. Anh là đội trưởng của đoàn quân áo Thiên thanh trong chiến dịch giành chức vô địch World Cup lần thứ 3 năm 1982. 

Đến thập niên 90, đội tuyển được tài trợ bởi hãng áo nội địa Diadora, với áo sân nhà màu xanh, và áo sân khách chủ yếu vẫn màu trắng trơn. Tuy nhiên, thương hiệu này đã bắt đầu thiết kế những chiếc áo có họa tiết và lần đầu sử dụng màu xanh lá cho áo thủ môn. Hàng công của Ý lúc đó nổi bật với tiền đạo tài năng Salvatore Schillaci và lãng tử Roberto Baggio, nhưng đều phải về nhì ở cả đấu trường châu lục và quốc tế.

Kappa và Nike là hai nhà tài trợ trang phục tiếp theo của Azzurri. Ở kỳ World Cup 2002, Italy nhận thất bại trong một trận đấu đầy tranh cãi với Hàn Quốc và bị loại khỏi vòng 16 đội.

Khoảng thời gian nhiều thăng trầm nhất với tuyển Ý ắt hẳn gắn với PUMA. Áo đấu của hãng này có thiết kế bó sát đặc trưng. Azzurri có thêm ngôi sao thứ tư trên ngực áo sau khi đánh bại Pháp trong trận chung kết World Cup 2006. Dàn hảo thủ Gianluigi Buffon, Fabio Cannavaro, Gianluca Zambrotta, Andrea Pirlo, Gennaro Gattuso, Francesco Totti được xem là thế hệ xuất sắc bậc nhất mà bóng đá Ý từng sản sinh.

Năm 2018, HLV Mancini hồi sinh chiến thuật “Catenaccio” – lối chơi phòng ngự ở thế chủ động để nhanh chóng chuyển đổi trạng thái phản công sắc bén. Mancini cùng tuyển Ý giành thêm chức vô địch Euro lần thứ 2 sau 53 năm đằng đẵng. Nhưng ở đấu trường thế giới, họ vẫn chẳng thể tìm lại những ngày vinh quang cũ. PUMA cùng đoàn quân thiên thanh trải qua nhiều nốt trầm, đặc biệt là 2 lần liên tiếp không vượt qua vòng loại World Cup vào các năm 2018 và 2022. “Thế hệ không World Cup” đã để lại nhiều nỗi thất vọng đối với người hâm mộ màu áo Thiên thanh. 

Cuối năm 2022, tuyển Ý và PUMA “đường ai nấy đi” sau 20 năm gắn bó và trở lại với Adidas. Hãng thể thao này đã ra mắt áo đấu đặc biệt kỷ niệm 125 năm thành lập với phiên bản cổ điển rất thanh lịch. 

Suốt chiều dài lịch sử, màu áo thiên thanh đã tạo nên dấu ấn đậm nét, không chỉ đại diện lòng tự hào của người dân Italy, mà còn là biểu tượng của những khoảnh khắc vĩnh cửu, gắn liền với nhiều ngôi sao trứ danh của bóng đá thế giới.

Tuyển Ý thời điểm hiện tại đang rất cần một sự phục hưng để hồi sinh trở lại màu áo thiên thanh, hồi sinh chất lãng tử đúng với bản sắc đã làm nên các danh hiệu của họ trong quá khứ.

XEM THÊM: Cuộc chiến tài trợ áo đấu Serie A: Adidas và Nike không còn chiếm ưu thế

(Các) tác giả
Author Photo
Cộng tác cùng The Sporting News Vietnam từ năm 2023
LATEST VIDEOS